Ngân hàng Nhà nước 'mạnh tay' với nợ xấu
Từ 1/6, các ngân hàng bắt buộc phải phân loại nợ theo phương pháp định lượng, xếp hạng khách hàng vay tiền. Đây là yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm xử lý rủi ro trong hoạt động.
Quy định phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi do để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng tại Thông tư 02, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới ban hành có mục đích chính là hoàn thiện quy định về dự phòng và nâng cao năng lực thanh tra giám sát theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp thông lệ quốc tế.
Trong văn bản này, Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng phải phân loại nợ cả băng định tính và định lượng. Nếu có khoản nợ được phân loại định lượng bị lọt vào nhóm có khả năng rủi ro cao (nợ xấu), thì các ngân hàng cần phải điều chỉnh nhóm cho phù hợp. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải phân loại với tài sản có vi phạm nhóm nợ rủi ro cao, đồng thời xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng vay vốn theo định kỳ. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây chính là cơ sở để các ngân hàng cho vay, quản lý chất lượng nợ vay cũng như xây dựng chính sách dự phòng rủi ro thích hợp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong văn bản này, cũng yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp kết quả phân loại nợ cho Trung tâm tín dụng. Trung tâm tín dụng tổng hợp và cung cấp lại cho các nhà băng danh sách khách hàng có nợ rủi ro cao nhất để điều chỉnh kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Những khoản mua bán nợ, cho vay, ủy thác đầu tư… cũng là đối tượng phải phân loại nợ. Theo Ngân hàng Nhà nước, các quy định nói trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6.
Hiện nay, nợ ngân hàng được chia thành 5 nhóm từ 1 đến 5 với các mức độ rủi ro và trích lập dự phòng cũng khác nhau. Với nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), ngân hàng không phải trích lập dự phòng, nợ cần chú ý (nhóm 2) trích lập 25%, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nghi ngờ mất vốn (nhóm 4) và có khả năng mất vốn (nhóm 5) phải trích lập dự phòng lần lượt 50%, 75% và 100%. Các nhóm từ 3 đến 5 được liệt vào "nợ xấu".